0
Thành tiền:
    Thanh toán

    Khai thác du lịch Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng

    Khai thác du lịch Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng

    Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng ở huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) rộng gần 20 nghìn ha, có hệ động, thực vật phong phú, thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu ôn hòa, trong lành; đồng bào các dân tộc chung quanh thân thiện, mến khách, giàu bản sắc văn hóa dân tộc nên có tiềm năng lớn phát triển triển du lịch, thu hút khách tham quan, nghỉ dưỡng để phát triển kinh tế địa phương.

    Ngày 31/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3447/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng, giai đoạn 2022-2030 nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh khu vực này. Đề án được phê duyệt trên cơ sở các văn bản quy định của pháp luật, khảo sát kỹ thực tế, lấy ý kiến các cấp, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương.

    Phạm vi và quy mô của Đề án được triển khai trên diện tích hơn 2 nghìn ha do Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên quản lý tại thị trấn Đình Cả và xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Đề án do Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện.

    Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng-phòng hộ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuyên, cho biết: Việc triển khai đề án này sẽ góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc.

    “Qua đó, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương”, ông Tuyên cho biết thêm.

    Từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển 5 điểm và 3 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tìm hiểu các phong tục tập quán của người dân địa phương, nghiên cứu sinh vật, địa chất khu rừng đặc dụng để nâng cao khả thu hút các du khách trong và ngoài nước với số lượng từ 100-150 nghìn khách/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 người.

    Giai đoạn 2026-2030 sẽ đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình du lịch chất lượng cao, hiện đại phục vụ du khách như: Xây dựng cáp treo, cầu kính, các trang thiết bị phục vụ du lịch mạo hiểm, khám phá hang động để đón từ 150-200 nghìn du khách/năm; tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 người.

    Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành tổ chức chỉ đạo, giám sát trong quá trình triển khai Đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, tuyệt đối không xâm hại rừng, chỉ được thực hiện ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng phục hồi rừng.

    Đề án này sẽ gắn kết chặt chẽ với Khu du lịch nghỉ dưỡng hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà đã được đầu tư xây dựng, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách. Qua đó, góp phần tích cực khai thác tiềm năng du lịch Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng để giảm nghèo cho người dân, đa phần là dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế huyện vùng cao Võ Nhai.

    0 bình luận

    Viết bình luận của bạn