Tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển 4 sản phẩm du lịch chính nhằm đạt mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch vùng Việt Bắc, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 10%/năm, đến năm 2025 đón hơn 3,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 3000 tỷ đồng/năm...
Các sản phẩm du lịch chính bao gồm: Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch MICE; du lịch thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Theo đó, đối với du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà, Thái Nguyên thực hiện hỗ trợ 5 điểm du lịch cộng đồng tại thành phố Thái Nguyên và các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai; hình thành và đưa vào khai thác các tuyến du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn gắn với văn hóa trà.
Trong phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn, tỉnh tập trung khai thác tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh như: Di tích Lý Nam Đế (thành phố Phổ Yên) - Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (thành phố Thái Nguyên) - Đền Đuốm (huyện Phú Lương) - Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa (huyện Định Hóa); Di tích Lý Nam Đế - Thiền viện Tây Trúc - Di tích Núi Văn, Núi Võ - Di tích lịch sử 27/7 - Khu du lịch Hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ).
Đối với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch MICE, Thái Nguyên chủ trương thu hút các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí quy mô lớn tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, thu hút đầu tư các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực Đông Tam Đảo.
Để phát triển du lịch thể thao, khám phá hang động mạo hiểm, tỉnh tiếp tục khảo sát, đánh giá chuyên sâu tài nguyên du lịch hang động và mời gọi đầu tư khai thác phát triển du lịch tại hang Phượng Hoàng, hang suối Mỏ Gà, khảo sát đánh gia tài nguyên du lịch khám phá hang động tại hang Suối Cạn, hang Sa Khao huyện Võ Nhai...
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, để thúc đẩy phát triển du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, cùng với việc đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, Thái Nguyên ưu tiên ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm du lịch, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch của tỉnh, liên kết với các địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch... Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tiếp tục triển khai số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm như: ATK Định Hóa, Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, hang Phượng Hoàng, quần thể đền thờ vua Lý Nam Đế... chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ 3D, 4D, phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh...
Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, Thái Nguyên là tỉnh giàu tiềm năng về du lịch với hệ thống hang động phong phú, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng trải dài trên sườn phía Đông dãy núi Tam Đảo và kho tàng di sản văn hóa lớn, gồm 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 17 di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận.
Thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà đã từng bước được đầu tư, khai thác và bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch như: Không gian văn hóa Trà - vùng chè Tân Cương, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Làng văn hóa dân tộc bản Quyên...
Một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đang được đầu tư, thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm, điển hình là Khu du lịch hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, hồ Suối Lạnh, hồ Vai Miếu, hồ Ghềnh Chè, suối Kẹm.../.
0 bình luận