0
Thành tiền:
    Thanh toán
    Võ Nhai nơi nguồn cội

    Tháng 3 này, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ diễn ra một sự kiện văn hóa đặc sắc, đã ghi được dấu ấn trong lòng du khách gần xa, đó là Lễ hội “Võ Nhai nơi nguồn cội”. Hoạt động này nhằm quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh độc đáo của mảnh đất giàu truyền thống Võ Nhai đến với đông đảo du khách trên mọi miền của đất nước, góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch của huyện cũng như tỉnh Thái Nguyên.

    Vùng đất nhiều tiềm năng du lịch

    Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng có ý nghĩa đặc biệt. Đáng chú ý là Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm (xã Thần Sa) - nơi cư trú của người Việt cổ. Đây là một mái đá khổng lồ, chiều rộng chừng 60m, chiều cao 30m, nằm ở độ cao khoảng 30m so với mặt sông Thần Sa chảy ngang trước mặt. Hố khai quật của Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm cho thấy địa tầng có 4 tầng văn hoá khảo cổ. Những di vật đá đặc trưng của nền văn hoá Bắc Sơn, Hoà Bình, Sơn Vi nằm ở tầng 1, tầng 2; ở tầng 3 thuần các công cụ đặc trưng của Ngườm. Và ở tầng văn hoá thứ 4 là hàng vạn công cụ đá. Những phát hiện khảo cổ học ở nơi đây đã giúp các nhà khảo cổ học xác định được: Ở Thần Sa, ở Việt Nam có một nền văn hoá khảo cổ đá cũ - văn hoá Thần Sa. Do có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học, vị trí đặc biệt trong việc tìm hiểu về lịch sử tiến hoá của con người nguyên thuỷ trên đất Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á lục địa nói chung, khu di tích khảo cổ học Thần Sa được Nhà nước xếp hạng Quốc gia từ năm 1982.

    Trong kháng chiến chống Pháp, Võ Nhai được biết tới là nơi ra đời của Trung đội Cứu Quốc quân II - một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam tại khu rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá). Đây chính là mốc son hào hùng, tiêu biểu cho ý chí kiên cường, đấu tranh cho nền độc lập, tự do của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Với tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình, ngay từ ngày đầu thành lập, các chiến sĩ của Trung đội Cứu Quốc quân II đã dũng cảm chiến đấu và lập nhiều chiến công hiển hách: Đó là trận đánh ở Đèo Bắp - tiêu diệt tên Đức Phú phản động gian ác; trận đánh ở Mỏ Nùng Lâu Hạ; trận đánh ở Suối Bùn xã Tràng Xá; trận ở Lân Han; trận ở Cây Đa La Hóa… Ngày 21/3/1945, Trung đội Cứu Quốc quân II cùng với đông đảo quần chúng Nhân dân trong huyện đánh chiếm châu lỵ La Hiên, thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên ở Thái Nguyên.

    Về các danh thắng, không thể bỏ qua suối Mỏ Gà - hang Phượng Hoàng thuộc xã Phú Thượng. Mới đây, Đoàn chuyên gia hang động người Anh và chuyên gia an toàn Oxalis tại Việt Nam đã tổ chức khảo sát thực hiện thám hiểm chuyên sâu về hang động ở khu vực này. Theo đánh giá, suối Mỏ Gà là hang nước đẹp, lặn xuống dưới mái hang dẫn tới một khoảng trời và lối đi tiếp với nét đặc trưng, có những thác nước, hồ nước, được trang trí tuyệt đẹp với những măng đá và đá hoa nguyên thủy. Hang suối Mỏ Gà có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch mạo hiểm.
    Theo thống kê, trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 5 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cảnh cấp Quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá về bản sắc văn hoá, lịch sử, các danh lam thắng cảnh cùng tiềm năng của đất và người Võ Nhai đến mọi miền đất nước. Điều này góp phần cụ thể hoá Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng và tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ động viên Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn cùng đoàn kết, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

    Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc

    Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2013 và đã trở thành lễ hội thường niên của huyện. Không chỉ quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh độc đáo, sự kiện này còn là nơi giao lưu, hội tụ văn hóa của 8 dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Võ Nhai.

    Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay, Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” được tổ chức với quy mô lớn. Trong 2 ngày 17 và 18/3, Huyện uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ, cùng các cơ quan, đơn vị và Nhân dân huyện Võ Nhai sẽ tổ chức dâng hương tại các địa điểm: Di tích lịch sử nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện tại xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng; di tích nơi thành lập chính quyền cách mạng tại xã La Hiên và Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện.

    Lễ hội “Võ Nhai nơi nguồn cội” khai mạc tại hồ sinh thái - công viên cây xanh huyện Võ Nhai. Trong 02 ngày diễn ra, du khách được hòa mình vào nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc vùng cao, gồm: Trại văn hóa, chợ quê, chợ ẩm thực, đốt lửa trại, múa sạp, múa tập thể; các trò chơi bịt mắt bắt vịt, chọi gà, tung còn, bắn nỏ hay giao lưu văn nghệ các dân tộc thiểu số. Trong dịp này, huyện cũng tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao như chạy việt dã, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt… Đặc biệt, một trong những nét mới của Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” năm 2023 là du khách sẽ được trải nghiệm không gian số 3D về đặc trưng văn hóa dân tộc Tày, Nùng của huyện Võ Nhai.

    Có thể khẳng định, việc tổ chức Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương, mà còn góp phần từng bước thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Võ Nhai, góp phần xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh.

    0 bình luận

    Viết bình luận của bạn