0
Thành tiền:
    Thanh toán

    Đến Võ Nhai tìm hiểu và thưởng thức đậu Bình Long

    Đến Võ Nhai tìm hiểu và thưởng thức đậu Bình Long

    Nếu có cơ hội đến với khu du lịch hang Phượng Hoàng thì du khách hãy đến tham quan cơ sở sản xuất đậu Bình Long thuộc xóm Mỏ Gà và thưởng thức món đậu phụ, đặc sản của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

    Một ngày tháng 10, tôi cùng đồng nghiệp có chuyến công tác đến huyện Võ Nhai, nơi có khu du lịch hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà được khá nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.

    Tại đây, tôi có dịp đi tham quan một số điểm du lịch cộng đồng, những vườn cây ăn quả, trang trại cá tầm, đặc biệt, được tận mắt chứng kiến quy trình chế biến đặc sản đậu phụ Bình Long ngay tại xóm Mỏ Gà, điều mà trước đây, nếu du khách muốn tìm hiểu phải đến tại xã Bình Long, cách khu du lịch hang Phượng Hoàng hơn 20 km.


    Qua mọi người giới thiệu, chúng tôi tìm đến cơ sở chế biến đậu phụ Bình Long của chị Phùng Thị Thu Dung tại xóm Mỏ Gà - Gia đình có 3 đời làm đậu phụ ngon nổi tiếng tại Bình Long. Bản thân tôi đã được thưởng thức món đậu Bình Long nhưng để tìm hiểu quy trình chế biến ra nó và thưởng thức đậu nóng tại cơ sở thì đây là lần đầu tiên. Được biết, để làm ra những bìa đậu thơm, ngon thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Đỗ tương phải được lựa chọn kỹ lưỡng, hạt tròn, vàng óng và đều. Cùng với đó là sự khéo léo, tỉ mỉ và lành nghề của những “nghệ nhân” thì mới có được những mẻ đậu ngon, hấp dẫn cả vị giác và thị giác. Quy trình chế biến đậu Bình Long cần khá nhiều thời gian (khoảng 3 tiếng đồng hồ) với các công đoạn như: Đỗ tương phải được ngâm từ 6 đến 8 tiếng, trong quá trình này sẽ được rửa bằng nước sạch 3 đến 4 lần để loại bỏ nhựa chát ở hạt đỗ, rồi mới đem đi xay thành sữa đậu. Tiếp theo là lọc bỏ bã và đun sôi sữa đậu đã xay khoảng 30 phút. Sữa đậu sau khi đun sôi sẽ được cho ra xô để ủ đậu. Tại quy trình này, tôi được chị Dung cho biết, cơ sở dùng nước chua lên men tự nhiên với một tỉ lệ hoàn hảo, bởi nếu quá tay đậu sẽ bị cứng, hơi chát và xác còn nếu ít nước chua thì đậu sẽ nhão và nát. Vừa pha nước chua, chị vừa cho biết khâu đánh nước chua làm đông đậu cũng rất quan trọng, nó cần người làm phải thật khéo léo, đều tay thì đậu mới dai, ngậy và không bị bở, quá trình đánh nước chua và ủ đậu cũng mất khoảng 30 phút rồi mới đưa ra gói đậu.

    Khác với nơi tôi sống, đậu được ép trong một khuôn dài và cắt thành từng bìa nhỏ thì đậu tại đây được ép trong những khuôn lớn, mỗi bìa đậu chừng 1kg. Trong khi chờ ép đậu, chúng tôi được chị Dung mời uống cốc sữa đậu nóng với vị thơm và ngậy khiến tôi nhớ mãi. Sau khi đậu ép xong, chúng tôi được thưởng thức những miếng đậu nóng hổi, quả thật nó rất ngon, béo ngậy và thơm mát. Chị Dung cũng cho biết sản phẩm đậu gia đình chị làm ra không cần phải mang ra chợ bán mà cơ bản là khách đặt trước. Đậu Bình Long khi còn nóng, chỉ cần cắt ra chấm súp chanh sẽ cảm nhận được vị béo ngậy riêng biệt hoặc có thể cắt nhỏ, rán vàng, chấm nước mắm chanh ớt ăn kèm rau sống hay cầu kỳ hơn đậu phụ kết hợp với một số thực phẩm khác cho ra những món ngon dân dã trong bữa cơm gia đình.

    Nếu có cơ hội đến với khu du lịch hang Phượng Hoàng thì du khách hãy đến tham quan cơ sở sản xuất đậu Bình Long thuộc xóm Mỏ Gà và thưởng thức món đậu phụ, đặc sản của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

    0 bình luận

    Viết bình luận của bạn