Võ Nhai là huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên với trên 70% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, từ nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng bào vùng cao nơi đây đã thay đổi tư duy, lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp điều kiện của địa phương, từ đó cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Võ Nhai đang từng bước "thay da đổi thịt".
Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Võ Nhai năm 2010 là 43%, đến năm 2020 đã giảm xuống còn dưới 10%. Để có được kết quả này, huyện Võ Nhai đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường là một điển hình như thế, xóm có hơn 130 hộ dân đều là đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua, nhờ các chính sách về an sinh xã hội và phát triển kinh tế như hỗ trợ vốn, cây con giống, tập huấn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Mông nơi đây ngày càng được nâng lên.
Ông Hoàng Văn Tài, xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ bò giống, cho vay nguồn vốn có ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.
Ông Trần Trọng Quyết, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Võ Nhai thông tin: “Đối với mức vay cho hộ nghèo đã nâng mức lên 100 triệu đồng với thời hạn vay là 120 tháng, cơ bản đã đáp ứng được nguồn vốn tạo cho hộ nghèo phát triển kinh tế”.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Võ Nhai đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 13,8 tiêu chí/xã, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp toàn diện. Tất cả các trục đường liên xã, xóm, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; 100% xóm, bản được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hệ thống trạm y tế, nhà văn hóa tại xã, xóm bản đạt chuẩn,
Ông Đặng Xuân Lâm, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai vui mừng chia sẻ: “Cũng nhờ ơn Đảng, Chính phủ đã giúp đời sống nhân dân của xóm chúng tôi nói chung và đời sống kinh tế của gia đình tôi nói riêng khấm khá, tốt đẹp hơn”.
Giao thông đi trước đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Sản xuất nông nghiệp luôn đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết hằng năm. Với thế mạnh là cây ăn quả, huyện đang tập trung mở rộng diện tích và đa dạng hóa các loại cây ăn quả trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Toàn huyện Võ Nhai có trên 1.500ha cây ăn quả, trong đó diện tích cho sản phẩm là 1.200ha. Một số loại cây ăn quả đã được người dân lựa chọn trồng với diện tích khá lớn, tạo thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND xã La Hiên, huyện Võ Nhai cho biết: “Xã La Hiên xác định cây na, cây nhãn là cây chủ lực phát triển kinh tế. UBND xã đã hướng dẫn bà con định hướng phát triển sản xuất theo hướng sạch, an toàn VietGap”.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự vững tin và đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Võ Nhai đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đây là động lực và mục tiêu giúp địa phương khắc phục hạn chế, khó khăn để phát triển với những định hướng mới, nhiệm vụ mới, mục tiêu mới ở tầm cao hơn.
Bà Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai cho biết: “Bên cạnh phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản thì Võ Nhai tập trung định hướng phát triển du lịch, gắn với tiềm năng của huyện đang có như các điểm di tích lịch sử, hệ thống hang động tự nhiên vốn có. Đặc biệt là sản phẩm du lịch gắn với văn hóa và ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn”.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự quyết tâm vươn lên của người dân nơi đây, tin rằng, thời gian tới, Võ Nhai sẽ đạt được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân./.
0 bình luận