Tối ngày 17/3, tại hồ sinh thái - công viên cây xanh trung tâm huyện Võ Nhai, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Võ Nhai tổ chức Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” năm 2023 nhân Kỷ niệm 86 năm Thành lập tổ chức Đảng đầu tiên huyện Võ Nhai (mùa Xuân 1937 - 2023) và 78 năm ngày Thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai (21/3/1945 - 21/3/2023).
Dự Lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội; đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương của tỉnh; đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ khởi nghĩa, đại điện thân nhân gia đình người có công với cách mạng; lãnh đạo địa phương kết nghĩa với huyện Võ Nhai cùng đông đảo Nhân dân trên địa bàn huyện.
Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Võ Nhai đã ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của huyện: Mùa xuân năm 1937, tại xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng, tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai được thành lập, gồm 3 đồng chí Chu Văn Tấn, Lục Văn Đủ và Nông Văn Cần. Sự ra đời của tổ chức Đảng đã đánh dấu bước tiến mới trong phong trào đấu tranh của Nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ, từ cuối năm 1938 đến năm 1940, các tổ chức cơ sở Đảng ở Võ Nhai phát triển nhanh chóng. Uy tín và ảnh hưởng của các tổ chức Đảng ngày càng lan rộng. 86 năm trôi qua, từ 03 đảng viên ngày đầu thành lập, đến nay Đảng bộ huyện Võ Nhai đã có 33 tổ chức cơ sở trực thuộc trực thuộc với trên 5.100 đảng viên.
Sau sự kiện ngày 23/2/1941, tại thôn Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, đội du kích Bắc Sơn được phát triển thành Cứu Quốc quân, làm lực lượng nòng cốt xây dựng và bảo vệ khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngày 15/9/1941, Đội Cứu quốc quân II được thành lập tại khu rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Ban chỉ huy Trung đội do đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ định gồm 03 đồng chí: Chu Văn Tấn là Chỉ huy trưởng, Trần Văn Phấn là Chỉ huy phó và Nguyễn Cao Đàm là chính trị viên.
Nhận định trước tình hình, đêm 3/11/1945, Ban Chỉ huy Cứu Quốc quân và Đảng bộ địa phương triệu tập Hội nghị tại Làng Phật, xã Phú Thượng để phân tích, đánh giá tình hình, quyết tâm chuẩn bị đội ngũ nổi dậy giành chính quyền. Đêm 20/3, quân ta bí mật tiến xuống bao châu lỵ La Hiên. Trước sự tấn công dũng mãnh của Cứu Quốc quân và lực lượng áp đảo của quần chúng Nhân dân, chính quyền địch ở La Hiên đã bị xóa bỏ. Châu lý Võ Nhai được giải phóng.
Ngày 21/3/1945 một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại châu lỵ La Hiên, Ủy ban Dân tộc Giải phóng lâm thời châu Võ Nhai chính thức ra mắt trước quần chúng Nhân dân (đây là chính quyền cách mạng cấp đầu tiên ra đời ở tỉnh Thái Nguyên), đánh dấu mốc son chói lọi trong trang sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai.
Từ ngày 21/3/1945 đến trung tuần tháng 4/1945, ở toàn châu Võ Nhai, chính quyền ở các xã đều thuộc về Nhân dân. Thắng lợi này là kết quả của một quá trình đấu tranh bền bỉ và anh dũng của Nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của tổ chức Đảng đầu tiên và Cứu Quốc quân II. Đồng thời là sự tiếp nối tiếng súng của Cứu Quốc quân I và phong trào cách mạng của khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ, chính quyền huyện Võ Nhai đã tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển; các mục tiêu quốc gia của chương trình được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của gần 70 nghìn người, trong đó có trên 72% là dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện.
Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” lần đầu tiên được tổ chức năm 2013 và đã trở thành lễ hội thường niên của huyện. Không chỉ là dịp kỷ niệm, ôn lại truyền thống các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng của Đảng bộ và chính quyền huyện Võ Nhai mà đây còn là nơi giao lưu, hội tụ văn hóa đa sắc màu của 08 dân tộc anh em trên địa bàn.
Lễ hội là dịp để quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh độc đáo của huyện. Võ Nhai tự hào với 05 di tích lịch sử văn hoá, danh thắng cấp Quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh. Trong đó đáng chú ý là Di chỉ khảo cổ Mái Ngườm (xã Thần Sa) - nơi cư trú của người Việt cổ; Dõng Là Ghè xã Liên Minh - tự hào là nơi đón Bác Hồ và Chính phủ về ở lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 10 năm 1947; khu rừng Khuôn Mánh hùng vĩ, nơi ra đời Trung đội Cứu Quốc quân II; hang Phượng Hoàng - khe Mỏ Gà với những phong cảnh tuyệt tác; thác nước Nậm rứt, thác nước 7 tầng; Hang Ốc, Hang Huyện và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp khác.
Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” diễn ra trong 2 ngày (17 và 18/3). Trong khuôn khổ lễ hội du khách sẽ được tìm hiểu những nét đẹp trong cuộc sống, phong tục tập quán của 08 dân tộc tộc anh em huyện Võ Nhai; trải nghiệm một không gian chợ quê ẩm thực đặc trưng vùng cao; tham gia hoạt động thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như tung còn, chọi gà, bắt mắt bắt vịt, kéo co, bắn nỏ... Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là “không gian số 3D” giới thiệu đặc trưng các dân tộc huyện Võ Nhai; trải nghiệm thực tế ảo các hoạt động văn hóa, ca nhạc của đồng bào dân tộc và vẻ đẹp toàn cảnh của Võ Nhai qua thiết bị kính thực tế ảo. Cùng với đó là chương trình đốt lửa trại và múa sạp có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của huyện với 78 đôi sạp tượng trưng cho kỷ niệm 78 năm ngày Thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai.
Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Võ Nhai đã trao những phần quà tri ân ý nghĩa cho bà Dương Thị Đành - Mẹ Việt Nam Anh hùng, ông Nông Sán Hoa - cán bộ tiền khởi nghĩa và thân nhân đảng viên Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện.
0 bình luận