0
Thành tiền:
    Thanh toán

    Phát triển du lịch ở Võ Nhai: Chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh

    Phát triển du lịch ở Võ Nhai: Chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh

    Trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 82 điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng thu hút đầu tư vào du lịch, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn chưa phát triển tương xứng với thế mạnh, tiềm năng.

    Nhắc đến Võ Nhai là chúng ta nhớ đến một vùng đất không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Vùng đất này cũng nhận được sự ưu đãi lớn của thiên nhiên với nhiều dãy núi đá vôi xen lẫn núi đất trùng điệp, tạo nên những thắng cảnh nổi tiếng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 15/82 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh, như: Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, hang Sa Khao (xã Phú Thượng); khu khảo cổ học Mái đá ngườm (xã Thần Sa); rừng Khuôn Mánh, hang Huyện (xã Tràng Xá); khu di tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc vào tháng 10-1947 tại xóm Vang (xã Liên Minh)...

    Đến Võ Nhai, du khách có thể đắm chìm vào vẻ đẹp hùng vĩ của khu quần thể hang Phượng Hoàng, được tắm nguồn nước trong mát của suối Mỏ Gà nằm trên địa bàn xã Phú Thượng. Đây là một trong những điểm di tích của vùng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, là chứng tích ghi dấu cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân xã Phú Thượng diễn ra tại hang Phượng Hoàng, dưới sự chỉ đạo của Đội Cứu quốc quân II. Du khách cũng có thể đến với khu di tích khảo cổ học Mái đá ngườm ở xã Thần Sa. Đây là một mái đá khổng lồ, rộng hơn 60m, cao hơn 30m, có sông Nghinh Tường chảy ngang trước mặt. Hố khai quật ở di chỉ ngườm có 4 địa tầng văn hóa khảo cổ có niên đại từ thời Trung kỳ đồ đá cũ... Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình về nhà ở, trang phục và các lễ hội. Đây cũng là một lợi thế để Võ Nhai phát triển du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử. Cũng tại Thần Sa, du khách có thể thỏa thê ngắm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của thác 7 tầng ở xóm Trung Sơn, thác Mưa Rơi ở xóm Kim Sơn...

    Với những tiềm năng phát triển du lịch nêu trên, huyện Võ Nhai có thể xây dựng được những tour du lịch trong ngày hay vài ngày, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Ví dụ như tour Thần Sa - Thượng Nung (hang Thắm Giáo, đình Thượng Nung, thác Dõm) - Sảng Mộc (động Thắm Luông, đình Nghinh Tác, Pò Đồn). Hoặc tour: Hang Phượng Hoàng, suối nước Mỏ Gà (Phú Thượng) rồi lên suối Mỏ Mắm, hang Hú (Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn); Phú Thượng – Tràng Xá (rừng Khuôn Mánh, hang Huyện) – Dân Tiến (hồ Quán Chẽ) - Bình Long (hang Ốc)...

    Những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã tranh thủ các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh để bảo tồn, phát huy các giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở địa phương. Trong giai đoạn 2016-2018, huyện đầu tư trên 1,3 tỷ đồng để tôn tạo, sửa chữa, làm biển chỉ dẫn vào các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Đặc biệt, huyện đã thu hút được Công ty TNHH Một thành viên Hanh Hạnh đầu tư 40 tỷ đồng thực hiện Dự án Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng. Điểm du lịch này đã chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 6 nhưng vẫn trong quá trình tiếp tục xây dựng nên chưa đồng bộ (thiếu Nhà ăn, Khu vui chơi trẻ em, nơi lưu trú), sản phẩm du lịch còn quá đơn điệu, các mặt hàng lưu niệm ít và chưa mang tính đặc trưng vùng miền. Cho nên, so với nhiều điểm du lịch khác trong tỉnh, nơi đây cũng chưa thực sự có sức cuốn hút lớn. Phần lớn du khách đều thực hiện tour du lịch trong ngày với lịch trình từ T.P Thái Nguyên lên thẳng một số địa điểm du lịch ở Bắc Sơn (suối Mỏ Mắm, hang Hú) rồi mới trở về tham quan hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà. Vào ngày thường của mùa hè, nơi đây mới có 300-400 du khách, ngày nghỉ thì thu hút được 700-800 du khách/ngày. Một số địa điểm khác như: Thác 7 tầng, thác Mưa Rơi, Mái đá Ngườm ở xã Thần Sa cũng chỉ thu hút được một lượng nhỏ (khoảng trên 100 người/ngày) đến tham quan, nghỉ ngơi và tắm mát vào mùa hè. Chưa kể, những nơi này chưa được quản lý, khai thác nên chưa phát sinh doanh thu, chưa đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Các địa điểm còn lại thì gần như không có khách đến vì đường sá đi lại còn khó khăn, chưa có sự kết nối các điểm du lịch với nhau, thiếu nơi lưu trú, dịch vụ ăn uống...

    Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện chia sẻ: Những năm gần đây, du lịch Võ Nhai đã được quan tâm đầu tư và có bước phát triển nhất định. Song, sự đầu tư mới chỉ diễn ra ở các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được công nhận và xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh, nhưng lại nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu các điểm lưu trú, vui chơi giải trí. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn thiếu và yếu nên chưa thể thu hút được nhiều du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Từ năm 2018 trở về trước, trên địa bàn huyện chỉ có duy nhất điểm du lịch hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà đem lại doanh thu nhưng rất ít, chỉ với mức trung bình 50 triệu đồng/năm.

    Nói về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, ông Hoàng Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ nay đến năm 2025, Võ Nhai sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch và xây dựng các dự án đầu tư cho phát triển du lịch (như: Dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển bền vững giá trị văn hóa truyền thống tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng); lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, bãi đậu xe, điểm dừng xe buýt công cộng, chỉnh trang trung tâm huyện tạo cảnh quan thu hút khách du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch sinh thái, thám hiểm, hát then, các món ăn truyền thống của các dân tộc; kết nối với các huyện trong và ngoài tỉnh để xây dựng các tour, tuyến du lịch như: Đồng Hỷ - Võ Nhai - Bắc Sơn (Lạng Sơn) và ngược lại; Võ Nhai - Bắc Sơn - Lạng Sơn và ngược lại; Liên Minh - Xuân Lương và ngược lại...

    Đức Anh

    0 bình luận

    Viết bình luận của bạn